Khoa Marketing Trường Đại học Đông Á mở ngành Digital Marketing Ngành Digital Marketing thuộc Khoa Marketing Trường Đại học Đông Á
Cuối tháng 3-2023, Khoa Marketing Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng bảo vệ thành công các điều kiện bảo đảm để mở ngành đào tạo Digital Maketing.
Buổi bảo vệ Chương trình đào tạo và các điều kiện bảo đảm mở ngành Digital Marketing - Khoa Marketing, Trường Đại học Đông Á.
Với việc đủ năng lực mở ngành Digital Marketing, Khoa Marketing càng phát huy thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, marketing số, kinh doanh số, truyền thông trong doanh nghiệp.
Digital Marketing – ngành mới và triển vọng
Khoa Marketing hiện có nhiệm vụ quản lý các ngành mũi nhọn của khối kinh tế Trường Đại học Đông Á, gồm: Marketing, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện và ngành mới - Digital Marketing.
Với các ngành học đa dạng và có sự liên kết, hỗ trợ tích cực về kiến thức, nội dung, người học ngành Digital Marketing nói riêng, các ngành thuộc Khoa Marketing Đại học Đông Á nói chung có đầy đủ năng lực ứng dụng công nghệ số liên quan đến marketing số, kinh doanh số như: Digital Marketing, Content Marketing, S.E.O, Email Marketing…. nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh số tại doanh nghiệp.
Digital Marketing là ngành mới thuộc Khoa Marketing.
Nhân lực giảng dạy ngành Digital Marketing
Khoa Marketing Trường Đại học Đông Á đã chuẩn bị đội ngũ giảng dạy ngành Digital Marketing gồm 5 tiến sĩ cùng đội ngũ thạc sĩ có chuyên môn phù hợp và giàu kinh nghiệm. Lực lượng giảng viên cơ hữu đảm nhiệm hơn 70% chương trình đào tạo đại học hằng năm.
Bên cạnh đó, Khoa Marketing phát triển việc đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ công nghệ thông tin, am hiểu chuyên sâu ngôn ngữ lập trình, truyền thông và quảng cáo số làm tiền đề định hướng cho sinh viên tiếp cận khoa học, công nghệ trong ứng dụng và xây dựng các chiến dịch marketing số.
Với định hướng và xây dựng phát triển đội ngũ, Khoa Marketing sẽ đáp ứng hoàn toàn khả năng giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu ngành Digital Marketing.
Định hướng phát triển kinh tế số
Theo định hướng phát triển kinh tế số và xã hội tại Việt Nam tới năm 2025, định hướng đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ được đặt làm trọng tâm phát triển.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ đến tổ chức hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều ứng dụng Digital Marketing vào hoạt động tiếp thị của mình.
Thành phố Đà Nẵng đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch này nêu rõ, dựa trên số liệu dự báo của Quy hoạch thành phố, đến năm 2025 có tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số.
Đến năm 2030, tối thiểu Đà Nẵng có 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 10,3% vào năm 2025 (mức trung bình cả nước là 2,83%) và 13,7% vào năm 2030 (mức trung bình cả nước là 4,78%).
Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố Đà Nẵng cần tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và giai đoạn 2026-2030, cần tối thiểu 8.000 nhân lực/năm.
Cho tới nay, đặc biệt từ đại dịch Covid-19 càng cho thấy vai trò của các chuyên viên nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu mạng xã hội, Content Marketing, xây dựng chiến lược và kế hoạch nội dung hoạt động Digital Marketing, Marketing tương tác trên mạng xã hội (Social Media Marketing), Truyền thông Marketing tích hợp (Intergrated Marketing Communication), Tiếp thị qua các công cụ tìm kiếm (Search Engine Marketing)... vô cùng quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh và marketing.
Việt Nam là thị trường năng động trên môi trường số
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử có thể đạt đến 30%, với quy mô vượt ngưỡng 15 tỷ USD và hứa hẹn còn tiếp tục tăng trưởng trong những năm sắp tới.
Việc người tiêu dùng giờ đây có thể làm mọi điều trên nền tảng trực tuyến như: mua sắm, cập nhật thông tin, học tập, làm việc và đi lại cũng dễ dàng được đáp ứng. Khi người dùng dành thời gian cho Internet nhiều hơn cũng là lúc doanh nghiệp cần phải tương tác với người tiêu dùng thông qua chính nền tảng trực tuyến chứ không phải báo đài hay tivi truyền thống.
Các nghiên cứu cho thấy Việt Nam là thị trường rất năng động trên môi trường số. Theo số liệu về người dùng Internet tại Việt Nam, hiện tại Việt Nam có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet thường xuyên. Con số này chiếm đến khoảng 70% dân số Việt Nam và hứa hẹn vẫn sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Trong các năm trở lại đây, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Trong khoảng thời gian từ năm 2019-2020, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng đến 10% (Hootsuite, 2020). Cũng theo thống kê từ We Are Social và Hootsuite, người Việt dành khoảng 6h30p mỗi ngày để sử dụng Internet (Hootsuite, 2020).
Sôi động nhu cầu nhân lực Digital Marketing
Những nghiên cứu trên cho thấy tiềm năng cũng như sự cần thiết về việc ứng dụng tiếp thị kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, nhân lực trong ngành Digital Marketing ngày càng được các doanh nghiệp săn đón. Điều này được thể hiện thông qua nhu cầu nhân lực rất lớn và đa dạng các vị trí tiếp thị kỹ thuật số từ những công ty tuyển dụng như: Vietnamworks, Career Builder, Job Street,... với mức lương trung bình cho vị trí Digital Marketing cao hơn so với các ngành khác (12-17 triệu đồng so với 7-9 triệu đồng).
The Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2025, ngành Tiếp thị cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm. Trong đó, Tiếp thị kỹ thuật số chiếm tỷ trọng khá lớn (Cafe 2019). Việt Nam hiện nay cũng được gia tăng đầu tư từ các công ty nước ngoài nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự Digital Marketing càng tăng cao hơn.
Nếu gõ trên Google với từ khóa “digital marketing tuyển dụng” có thể thấy ngay lập tức hàng triệu kết quả tìm kiếm, từ những công ty lớn cho đến những trang tuyển dụng uy tín.
Tuy nhiên, hiện có rất ít trường đại học tại Việt Nam giảng dạy chương trình này trên lớp.
Nguồn nhân sự làm Digital Marketing chủ yếu từ các nhóm: (1) những người có kinh nghiệm làm marketing (có thể đã được đào tạo hoặc chưa được đào tạo về marketing), họ tự học thêm một số kỹ thuật làm Digital Marketing; (2) những người trẻ hoặc đã học các ngành khác, sau đó chủ động tìm hiểu, tham gia khóa học ngắn hạn về kỹ thuật Digital Marketing; (3) một số ít người vốn đã học các ngành kỹ thuật (chủ yếu là công nghệ thông tin).
Đặc điểm chung của lực lượng nhân sự này là kiến thức không đủ toàn diện, ít có khả năng phát triển thành các chuyên gia hoặc thăng tiến lên các vị trí quản lý. Vì vậy, nguồn nhân lực của mảng Digital Marketing đang vô cùng hạn chế.
Mở ngành Digital Marketing từ nhu cầu thị trường
Tổ biên soạn đã khảo sát trên 100 doanh nghiệp liên quan lĩnh vực Digital Marketing về sự cần thiết nhân lực hoạt động trong ngành này.
Để làm cơ sở mở ngành Digital Marketing, Khoa Marketing Trường Đại học Đông Á đã thực hiện khảo sát 102 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến thương mại điện tử, quảng cáo và truyền thông tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo kết quả khảo sát cho thấy: Hầu hết tất cả đại diện doanh nghiệp đều có nhận định chung về nhu cầu tuyển dụng nhân lực học tập ngành Digital Marketing là cần thiết và rất cần thiết trong hiện tại và lương lai.
Như vậy, việc xây dựng đào tạo ngành Digital Marketing là hoàn toàn có cơ sở khoa học và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Có thể khẳng định, việc xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Digital Marketing là sự đóng góp quan trọng của Trường Đại học Đông Á trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Chương trình đào tạo ngành Digital Marketing được thiết kế học phần doanh nghiệp xuyên suốt từ năm thứ hai đến năm thứ tư. Bên cạnh đó, sinh viên có 2 kỳ thực tập nghề nghiệp và 1 kỳ thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đây là tiền đề để sinh viên được tiếp cận thực tế nhằm nắm bắt kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp trước khi ra trường.
Sinh viên được trao cơ hội “thực chiến”
Sinh viên được bảo đảm có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp ngành Digital Marketing.
Theo lộ trình, Khoa Marketing nâng cao chất lượng đào tạo các ngành này theo hình thức giảng dạy 50% tiếng Việt - 50% tiếng Anh và tiến tới giảng dạy bằng 100% tiếng Anh một số chương trình, kết hợp kỳ trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp nước ngoài.
Các môn học chuyên ngành đều được kết hợp giảng dạy tại doanh nghiệp và triển khai thực tập nghề nghiệp. Những học phần doanh nghiệp, sinh viên sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia hoạt động thực tế trong lĩnh vực thương mại điện tử và marketing số.
Học phần thực tập tốt nghiệp được triển khai từ năm thứ tư để sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty, doanh nghiệp; từ đó sinh viên có thể rút ra những thế mạnh và định hướng cho đồ án tốt nghiệp cuối khóa.
Ngoài ra, Khoa Marketing thường xuyên tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao kiến thức cho sinh viên và giảng viên thông qua các hoạt động hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia đầu ngành.
Khoa Marketing còn kết hợp với các CLB như: CLB Marketing, CLB Khởi nghiệp, CLB Truyền thông, CLB Nhiếp ảnh và quay phim... để tạo môi trường kết nối học tập ngoại khóa hiệu quả, giúp sinh viên phát huy năng lực và phát triển khả năng sáng tạo.
Theo kế hoạch phát triển Khoa Marketing, tổng số sinh viên dự kiến đến năm 2025 là 1.500. Với quy mô đào tạo, mục tiêu phát triển, chương trình giảng dạy được xây dựng mang tính cập nhật, đầu tư hệ thống phần mềm hỗ trợ chuyên ngành, hợp tác và phát triển toàn diện,... sinh viên ngành Digital Marketing có nhiều cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến, lãnh hội kỹ năng nghề nghiệp tốt và bảo đảm 100% có việc làm phù hợp trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp.